Biết cách làm nước mắm cơm tấm chính là bí quyết giúp cho món ăn đúng đủ vị. Tuy nhiên tùy thuộc vào từng vùng miền, từng sở thích mà cách pha của mọi người sẽ khác nhau. Vậy để biết đâu là cách ngon nhất, hợp gu của mình nhất thì các bạn hãy vào bếp chế biến thử xem nhé. Tham khảo bài viết để được gợi ý thêm nhiều mẹo và phương pháp làm cực hay.
Nước mắm cơm tấm – Yếu tố quyết định cho món ngon đậm đà
Cơm tấm là món ăn quen thuộc trong các bữa ăn của người Việt. Bạn có thể ăn ở quán hàng hoặc chế biến ngay tại nhà đều được. Món ăn này gồm 3 phần chính là cơm, đồ ăn kèm và nước chấm. Cơm sẽ được nấu bằng gạo tấm, đặc điểm hạt nhỏ, vụn nhìn cảm giác hơi cứng nhưng lúc ăn lại siêu dẻo. Cơm có thể nấu bằng nồi điện, tủ cơm công nghiệp hay một thiết bị chuyên dụng khác cũng được. Nhưng yêu cầu thành phẩm phải nóng, dẻo, ít bị khô cứng và tất nhiên cũng không được nhão.
Topping ăn kèm cho cơm tấm chủ yếu là các món nướng, rán, hấp như: gà nướng mật ong, gà rán giòn, chả trứng hấp, lợn quay,…Ngoài ra còn có cả rau luộc như: củ cải, cà rốt, su su, bắp cải…Vì thế nên nếu không có nước chấm món ăn sẽ bị nhạt, kém đi sức hấp dẫn, mất đi sự hoàn hảo vốn có.
Nước chấm ở đây chỉ cần một chén nhỏ nhưng phải là loại đã được pha chế chứ không phải nước mắm cốt ban đầu. Hương vị nước chấm có ngọt, có mặn, thêm chút cay, chút thơm nữa là tuyệt cú. Khị ăn bạn có thể chấm đồ ăn kèm vào đây hoặc chan nước mắm pha lên trên cơm để thưởng thức. Mỗi kiểu có một cái hay riêng nhưng mục đích chung vẫn là để cho vị món cơm được trọn vẹn.
Cách làm nước mắm cơm tấm Sài Gòn sánh kẹo
Để giúp các bạn biết cách nấu nước mắm cơm tấm ngon Nguyên Khôi đã đi khảo sát ở một số nhà hàng, quán ăn có tiếng và rút ra được 2 công thức siêu chuẩn sau. Tất cả sẽ được bật mí ngay dưới đây:
Cách 1: Sử dụng bột năng
Nguyên liệu
- Nước mắm cốt: 50ml
- Nước lọc
- Chanh tươi: 2 quả
- Tỏi: 2 củ
- Ớt: 5 quả
- Đường: 60g
- Bột năng: 8g
Cách pha
Bước 1Sơ chế nguyên liệu
- Tỏi: Bóc sạch vỏ, có thể rửa bằng nước cho sạch sau đó thấm khô hết nước. Dùng mặt ngang của dao dập mạnh lên nhánh tỏi rồi dùng lưỡi dao băm nhỏ tỏi ra.
- Ớt: Nếu như muốn cay nhiều thì bạn để nguyên cả vỏ và hạt rồi cắt lát ngang. Còn nếu muốn giảm độ cay thì bạn hãy bỏ phần hạt đi chỉ dùng phần thân ngoài để cho vào nước chấm.
- Chanh: Cắt đôi làm 2 nửa hoặc cắt dọc làm 4 phần ( khi cắt dọc bạn hãy bỏ đi phần thân ở giữa để vắt được nhiều nước hơn).
Bước 2Pha nước mắm cơm tấm
- Cho vào bát 3 thìa đường và 6 thìa nước lọc, khoắng thật đều cho đường tan hết.
- Tiếp đến bạn cho 4 thìa nước mắm vào bát trên, nếu mặn thì bạn cho thêm nước lọc để cân bằng lại vị.
- Cuối cùng cho tỏi, ớt đã chuẩn bị vào bát, vắt 1 nửa hoặc 3/4 quả chanh tùy theo độ chua mà bạn muốn.
Bước 3Pha bột năng
Bột năng có tác dụng tạo độ sệt sánh cho món mắm chấm. Nhưng nếu dùng quá nhiều thì mắm sẽ bị đặc lại vì thế nên bạn chỉ dùng một chút xíu khoảng 5-8 g là đủ.
Bước 4Hoàn thiện nước mắm cơm tấm
Bạn cho bát nước bột năng và bát nước mắm pha vào trộn đều với nhau. Để hai hỗn hợp này hòa làm một rồi chia ra từng bát nhỏ, mỗi bát tương ứng với 1 phần cơm.
Cách 2: Sử dụng nước dừa
Ngoài cách làm trên ra thì còn 1 cách nữa chính là sử dụng nước dừa để làm nước chấm. Cách này hấp dẫn người ăn bởi mùi thơm ngọt, lôi cuốn ngay khi đến gần.
Nguyên liệu
- Nước mắm: 60g
- Đường: 50g
- Tỏi băm
- Ớt cắt nhỏ
- Nước dừa
Cách pha nước mắm vị dừa
Bước 1Pha chế
Bạn cho đường vào bát, thêm nước dừa và nước mắm vào cùng. Lúc này nước dừa sẽ thay cho nước lọc nhưng vì nguyên liệu này vốn đã có vị ngọt tự nhiên vì thế nên bạn có thể giảm lượng đường xuống.
Cho hỗn hợp pha chế lên bếp đun, để cho nước sôi đều trong 30-40 giây thì nhấc nồi xuống.
Bước 2Hoàn thiện
Chờ đến khi mắm nguội thì bạn cho tỏi, ớt vào. Nước mắm lúc này rất thơm, ăn ngọt vừa hợp để chan vào cơm tấm và thưởng thức.
Bật mí mẹo nhỏ để nước mắm cơm tấm chuẩn vị nhà hàng
Nếu bạn đã từng đi ăn cơm tấm ở ngoài hàng thì sẽ thấy nước mắm của họ pha rất vừa vặn. Hương vị cả trăm cả nghìn lần đều như 1, điều này có được chính là nhờ vào các bí quyết nhỏ mà có võ sau:
Nguyên liệu
Đồ để pha nước mắm thì đơn giản, dễ mua nhưng khi mua bạn hãy nhớ:
- Chọn chanh: tươi, căng, vỏ càng mỏng càng tốt. Không mua chanh vàng, nhìn héo úa vì nước cốt sẽ bị đắng làm ảnh hưởng chất lượng thành phẩm
- Ớt nên chọn loại quả nhỏ, thon dài có vị cay nồng thì phù hợp hơn ớt ngọt, ớt tím hay ớt xanh
- Tỏi ta sẽ có mùi thơm hơn tỏi tàu, đặc điểm nhánh nhỏ, màu tím nhạt. Hơn nữa loại này ăn cũng không bị hôi và có thể để được khá lâu.
Khi chế biến
Bạn nên hòa cho đường tan trước rồi mới đến công đoạn thêm các nguyên liệu khác. Vì nếu cho đường vào lúc sau thì việc làm tan là rất khó, phần bên dưới sẽ bị ngọt hơn bên trên.
Khi nấu nước mắm cơm tấm thì bạn chỉ đun nước và đường chứ không được cho tỏi ớt vào khi đó. Tỏi ớt cần để ở dạng sống thì mới đảm bảo được vị, còn nếu đun chín sẽ mất ngon hẳn luôn.
Cách bảo quản
Công việc pha nước chấm không nhất thiết là phải làm hằng ngày mà bạn có thể làm một lần rồi dùng trong 2-3 ngày sau cũng được. Muốn giữ cho mắm ngon y như vừa pha thì bạn phải bảo quản đúng cách:
- Cho mắm vào lọ kín
- Chỉ cất mắm nguyên chưa dùng đến, không cất những phần đang ăn dở
- Để ở khu vực khô thoáng hoặc cho vào tủ lạnh (ở ngăn mát)
- Có thể pha mặn hơn bình thường để mắm ở được lâu hơn, khi nào ăn sẽ điều chỉnh cho vừa sau
- …
Sau khi đọc bài viết chia sẻ về cách làm nước mắm cơm tấm này, hy vọng các bạn đều sẽ áp dụng thành công. Ngoài ra nếu bạn có ý kiến sáng tạo nào hay hơn, ngon hơn thì cũng hãy đưa ra để mọi người cùng học hỏi nhé!